Tiểu sử người nổi tiếng – Đức Khổng Tử (551-479 TCN)

Share

Tiểu sử người nổi tiếng  -–  Đức Khổng Tử (551-479 TCN)

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà văn Trung Quốc cuối thời Xuân Thu.Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, người ấp Thủ, nước Lỗ, nay thuốc phía đông nam Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Tổ  tiên của ông là quý tộc nước Tống, sau chuyển sang nước Lỗ. Lúc sinh ông, cha ông tuổi đã ngoại lục tuần và đã có hai đời vợ, mười người con (chín gái, một trai). Mẹ Khổng Tử là Nhan Thị. Bởi khi sinh ra đã có một cái bướu trên đầu nên cậu bé được cha mẹ đặt tên là Khổng Khâu, trong tiếng Hán, “khâu” có nghĩa là gò đống.

Thuở nhỏ nhà nghèo, lên ba tuổi lại mồ côi cha, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Lớn lên một chút, Khổng Khâu phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ nhưng rất ham học. Một hôm, trời rét căm căm, gió thổi như bão mà chú bé Khổng Khâu chỉ mặc một chiếc áo mỏng manh say sưa ngồi đọc sách bên cửa sổ. Bà mẹ thương con quá mới lại gần, nhẹ nhàng nói:

                -Con ơi, hãy nghĩ một chút đi.

                Khổng Khâu nghe lời mẹ đứng dậy gấp sách cất đi nhưng lại cầm khay hoa quả lẳng lặng đi ra ngoài cửa. Bà mẹ vội nói:

                -Ngoài trời gió to và lạnh lắm, lại sắp có mưa rồi, con không ở  nhà mà còn ra ngoài chơi làm gì?

                Khổng Khâu nghiêm trang trả lời mẹ:

                -Không mẹ ạ, con không đi chơi mà ra ngoài trời học cách tế lễ các bậc thần linh đấy ạ!

                -Con học tế lễ gì vậy?- Bà mẹ ngạc nhiên hỏi.

                Khổng Khâu trả lời:

                -Bây giờ con không học tốt lễ nghi, không có kiến thức, sau này lớn lên khó làm một vị quan tốt được ạ.

                Suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến một trong ba quan niệm đạo đức chính của Khổng Tử sau này. Theo ông, lễ được xem là xuất phát từ trời, nghĩa là phải hiến tế cho thần thánh.

                Năm mười chín tuổi, Khổng Tử lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Năm hai mươi hai tuổi, ông bắt đầu mở lớp dạy học. Là một nhà giáo dục lớn, Khổng Tử chính là người sáng lập ra phong trào tư nhân dạy học và mở rộng đối tượng giáo dục. Ông “học không biết chán, dạy không biết mệt” và là người mở đầu cho phương pháp dạy học “tùy theo khả năng từng người mà dạy”, yêu cầu học trò phải “học đi đôi với hành”, học phải có thực chất: “Biết thì bảo rằng biết, không biết thì bảo rằng không biết”, “ Không lấy làm thẹn khi phải học người dưới mình”. Đệ tử của ông có đến  hơn ba trăm người, trong số đó có bảy mươi hai  người “thông hiểu lục nghệ”, cống hiến rất nhiều cho chủ trương giáo dục của ông.

 

            

   Bộ sách “Luận ngữ” ghi chép những lời đối đáp giữa Khổng Tử và đệ tử do đệ tử của ông thu thập là bộ sách nổi tiếng được truyền tụng từ đời này sang đời khác vì trong đó tích lũy rất nhiều kinh nghiệm sống quý báu . Tư tưởng căn bản của Khổng Tử thể hiện trong “Luận ngữ” là “nhân”. Chữ “nhân” theo quan niệm của ông mang một ý nghĩa hết sức rộng lớn, gắn bó chặt chẽ với đạo đức – lòng yêu thương con người, yêu thương vạn vật. Theo Khổng Tử, gốc của “nhân” là hiếu đễ, hiếu là sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ, đễ là lòng thương yêu, tôn kính của em đối với anh. “Nhân” bao hàm cả hai mặt yêu và ghét phân minh, là lòng quan tâm, vị tha, xả thân vì người như chính Khổng Tử đã nói: “Theo ta, người có đức nhân là như thế này: Bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì cũng nên giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc đều có thể từ mình mà nghĩ đến người khác, có thể nói đó là biện pháp thực hiện đạo nhân”.

                Một lần, từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy, Khổng Tử hỏi:

                -Có ai bị thương không?

                Ông không hỏi về ngựa. Thời đó, một con ngựa có thể gấp mười lần một người nô lệ. Khi hỏi câu đó, Khổng Tử đã thể hiện một sự quan tâm lớn nhất của mình là về con người.

                Lần khác, học trò của ông là Tử Cống hỏi:

                -Thưa thầy, có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?

                Ông đáp:

                -Có lẽ là chữ “Thứ” chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

 

Tử Cống thỉnh giáo Khổng Tử

               

Tư tưởng chính trị của Khổng Tử cũng dựa trên quan niệm về đạo đức của ông. Khổng Tử cho rằng muốn cai trị được đất nước phải “dùng đạo đức để chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội và còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”.

                Một lần, Khổng Tử yết kiến Tề Cảnh Công, Tề Cảnh Công hỏi:

                -Ngày xưa Tần Mục công nước nhỏ, ở nơi hẻo lánh nhưng tại sao lại làm được nghiệp bá?

                Khổng Tử đáp:

                -Nước Tần tuy nhỏ nhưng chí của nó lớn. Tuy nó ở nơi hẻo lánh nhưng chính trị của nó đúng đắn.

                Cảnh Công hỏi Khổng Tử làm chính trị phải như thế nào, Khổng Tử đáp:

                -Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con.

                Trong suốt cuộc đời mình, Khổng Tử đã làm nhiều chức quan từ nhỏ đến lớn ở nước Lỗ: Ủy lại (coi kho), Thừa điền (nuôi súc vật), Trung đồ tể, Tư không, Đai tư khấu, sau đó nắm quyền Tể tướng.

                Khi uy tín của ông trong nhân dân lên cao, vua nước Lỗ sợ ông nên cách chức quan và đuổi ông ra khỏi đất nước. Ông dẫn đồ đệ đi chu du các nước Tề, Vệ, Tống, Trần, Sái, Sở để thực hiện lý tưởng an bang tế thế của mình nhưng không được trọng dụng. Cuối đời, ông quay về nước Lỗ, sức vào việc chính lý sách cổ và giáo dục. Ông mất năm 479 trước Công nguyên, thọ bảy mươi ba tuổi.

                Nhân cách đạo đức, đường lối tu dưỡng, quan điểm và phương pháp giáo dục của Khổng Tử có tác dụng và ảnh hưởng to lớn không chỉ lúc sinh thời  mà còn lâu dài về sau. Các tư tưởng và học thuyết  về giao dục của ông được các đệ tử tiếp tục kế thừa và phát triển. Những tư tưởng đó không chỉ ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc và còn ở các nước châu Á khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…

                Sau khi ông mất, Khúc Phụ quê hương ông trở thành nơi hành hương của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ ông.

 

 

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.