Tiểu sử người nổi tiếng – Albert Einstein ( 1879-1955)
Nhà vật lý người Đức gốc Do Thái, cha đẻ của Thuyết tương đối và rất nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực cơ học lượng tử và cơ học thống kê.
Albert Einstein sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố Ulm, bang Baden-Wurttemberg, Đức. Năm 1880, gia đình Einstein chuyển về sống ở Munich, nơi cha cậu, một kỹ sư và cũng là một người bán hàng, mở một công ty cung cấp thiết bị điện cùng với người chú của Einstein. Ở đây, Einstein được theo học một trường tiểu học công giáo và tuy có gặp một chút trở ngại với vấn đề ngôn ngữ nhưng cậu bé vẫn là một trong những học sinh giỏi nhất của trường.
Ngoài việc học, Einstein còn có một niềm say mê hứng thú với khoa học. Được cha tặng cho một chiếc la bàn nhân dịp sinh nhật, cậu bé Einstein để ý và nhận xét rằng phải có một cái gì đó trong không gian làm chuyển động cây kim chuyển hướng. Đây là quan sát đầu tiên của Einstein về từ trường, là biểu hiện của một tài năng thiên bẩm. Cậu bé bắt đầu dựng các mô hình máy đơn giản để nghiên cứu.
Năm 1894, công ty của cha Einstein phá sản, ông phải đưa gia đình sang Ý để sinh sống nhưng vẫn để Einstein ở lại Munich học hết trung học. Một năm sau, chưa hoàn thành xong chương trình trung học, Einstein sang Ý với gia đình, xin vào học tại Học viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ nhưng vì chưa tốt nghiệp phổ thông nên mặc dù điểm thi toán và vật lý rất cao, Einstein vẫn không qua được bài kiểm tra đầu vào. Cậu được gửi tới Thụy Sĩ để hoàn thành chương trình phổ thông, sau đó vào học khoa toán của Học viện này và tốt nghiệp năm 1990.
Sau đó Einstein nhập quốc tịch Thụy Sĩ, dạy toán tại một trường đại học ở Winterthur, rồi làm việc cho phòng cấp bằng sáng chế kỹ thuật tại Bern. Chính trong quãng thời gian này, ngoài giờ làm việc, Einstein bắt đầu nghiên cứu và có những phát kiến quan trọng trong lĩnh vực vật lý lý thuyết.
Năm 1905, Einstein cho công bố ba chương trình khoa học đồ sộ của mình, trong đó có Thuyết tương đối hẹp. Năm đó được coi là “năm thăng hoa của người khổng lồ Albert Einstein”. Ông trở thành giảng viên trường Đại học Bern năm 1908, sau đó là giáo sư dạy vật lý tại trường Đại học Zurich. Albert Einstein bắt đầu được biết đến như một nhà khoa học hàng đầu. Ông quay trở về Đức và trở thành viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Đức.
Năm 1915, Thuyết tương đối rộng lần đầu tiên được xuất bản. Học thuyết tương đối trình bày quan điểm của Einstein về không gian và thời gian, được gọi chung là Vũ Trụ Einstein, để so sánh với không gian và thời gian tuyệt đối của Vũ trụ Newton. Học thuyết của Einstein ra đời vào khủng hoảng trong lịch sử ngành vật lý, khi mà quan niệm thời gian, không gian tuyệt đối và những nguyên lý cơ học cổ điển khác của Newton, thậm chí cả những nguyên lý của động lực học cổ điển không còn đủ khả năng giải thích các hiện tượng thiên nhiên quan sát được bằng những thiết bị chính xác và hiện đại. Bằng quan sát và thực nghiệm, Einstein đã chỉ ra những hệ quá hết sức quan trọng, làm đảo lộn những quan điểm đã ngự trị bao đời nay. Một là, không gian là tương đối, tức là nếu quan sát từ một vị trí đứng yên thì một vật chuyển động bị co ngắn lại so với lúc nó đứng yên. Tất nhiên, sự co dãn đó vô cùng nhỏ bé, chỉ có thể quan sát trong chuyển động với vận tốc ánh sáng. Hai là thời gian cũng có tính tương đối, tức là trên một vật chuyển động thì thời gian trôi nhanh hơn khi vật đứng yên.
Einstein trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ở Đức, do có nguồn gốc Do Thái, ông bị một số người bài Do Thái công kích. Họ phân phát một tờ truyền đơn có tiêu đề “100 tác giả chống lại Einstein”. Khi biết chuyện, Einstein đã nói: Cần gì phải đến một trăm người? Nếu tôi sai, chỉ cần một người là đủ!
Einstein vốn là một người ăn mặc rất giản dị. Khi còn là một nhà vật lý bình thường, có người hỏi vì sao lại ăn mặc xuềnh xoàng như vậy, ông đáp:
-Một nhà vật lý bình thường như tôi thì ai để ý mà phải chú ý đến chuyện ăn mặc.
Khi đã nổi danh khắp thế giới, vẫn được hỏi về chuyện ăn mặc xuềnh xoàng, ông lại nói:
-Giờ thì ai cũng chú ý đến tôi nên việc gì tôi phải để ý đến việc ăn mặc.
Từ năm 1920 đến năm 1927, Einstein đi khắp thế giới để thuyết trình và hoạt động xã hội. Einstein là một người Do Thái theo chủ nghĩa hòa bình. Ông tham gia vào các nhóm cấp tiến, công khai ủng hộ chủ nghĩa xã hội, gây quỹ phản đối chiến tranh bằng việc bán đấu giá bản viết tay Thuyết tương đối hẹp,…Ông cũng là người đã ký vào ba bản tuyên ngôn hòa bình năm 1914, 1930 và 1955, ngăn chặn ngọn lửa chiến tranh tranh giành lãnh thổ và ngăn chặn thế giới lao vào cuộc chạy đua vũ trang, sản xuất những thứ vũ khí giết người hàng loạt trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Năm 1921, Einstein được trao giải Nobel Vật lý, không phải cho Thuyết tương đối, công trình nổi tiếng nhưng còn gây tranh cãi vào thời điểm này, mà cho những nghiên cứu về hiệu ứng quang điện.
Năm 1932, Einstein nhận lời sang giảng dạy tại trường Đại học Princeton, Mỹ và không quay trở lại Đức nữa vì lúc này chính quyền chống Do Thái Đức quốc xã đã lên nắm chính quyền.
Trên một chuyến tàu từ châu Âu sang Mỹ, mọi người đều mệt nhoài vì song biển làm lắc lư con tàu. Người ta ngạc nhiên khi thấy một ông già trông dáng thông minh nhưng ăn mặc xuềnh xoàng thản nhiên ngồi hút thuốc, nghe nhạc. Sự ngạc nhiên chuyển sang than phục khi họ biết đó chính là tác giả của Thuyết tương đối, thuyết làm khuynh đảo nhiều suy nghĩ trong ngành vật lý thế giới. Có người mạnh dạn hỏi Einstein:
-Thưa ông, trong Thuyết tương đối, nhiều và ít được hiểu như thế nào?
-Ồ, có gì đâu! Đơn giản thôi! Mấy trăm sợi tóc trên đầu là ít, nhưng một ly nước giải khát thì chỉ cần vài ba sợi tóc cũng là nhiều.
Sau khi tới Mỹ, Einstein vẫn tiếp tục chu du nhiều nơi, tới Oxford, Glasgow, Brussels, Zurich,… cho tới năm 1935 thì quyết định ở lại Princeton thực hiện những cố gắng trong việc thống nhất các định luật vật lý. Năm 1940, Einstein nhập quốc tịch Mỹ nhưng vẫn giữ quốc tịch Thụy Sĩ. Được phóng viên hỏi về quốc tịch của mình, ông nói:
-Các ông đừng nghĩ vấn đề quốc tịch của tôi như thế là đã xong. Những năm còn lại của đời tôi, theo giấy tờ tùy thân thì tôi là người Mỹ. Nhưng sau khi tôi chết, nếu như những lý thuyết của tôi đề ra là đúng thì người Đức sẽ nói tôi chính gốc là người Đức, người Pháp sẽ nói tôi là công dân quốc tế. Nếu như sau này họ chứng minh tôi có những chỗ thiếu sót thì người Pháp sẽ nói tôi từng là người Đức, còn người Đức sẽ nói tôi là một tên Do Thái.
Năm 1949, Einstein bắt đầu lâm bệnh. Những năm cuối đời, ông vẫn dành thời gian cà sức lực cho nghiên cứu khoa học và đấu tranh cho hòa bình. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1955 tại Treton, New Jersey, Mỹ.
Sinh thời, Einstein đã từng nói về cái chết và sự bất tử: Sự bất tử ư? Chỉ có một sự bất tử tương đối, đó là sự duy trì trong ký ức về một con người qua một số thế hệ. Nhưng với Einstein, tên tuổi ông sẽ mãi mãi bất tử, vượt qua không gian và thời gian, trường tồn cùng với sức sống của Học thuyết tương đối và tinh thần nhân văn tuyệt vời của ông.
Xem thêm:Tiểu sử người nổi tiếng -– Đức Khổng Tử (551-479 TCN)