Hãy Trân Trọng Cuộc Sống

Share

               Nếu một lúc nào đó, những bộn bề của công việc và cuộc sống làm bạn mệt mỏi và bi quan và chán nản. Thì bạn hãy đến những nơi mà tôi sẽ kể sau đây, và tôi tin rằng bạn sẽ ra về với một suy nghĩ khác tích cực hơn, lạc quan, thiện lành hơn.

1. Lớp học chữ thiện nguyện – Khoa nhi, bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh

                Mỗi chiều thứ sáu và sáng thứ bảy, lớp học của những bệnh nhi ung thư tại bệnh viện Ung Bướu   TP.Hồ Chí Minh lại sáng đèn. Trong căn phòng nhỏ vài mét vuông, dăm ba bộ bàn học mini, là tiếng cười giòn tan với học sinh là các bé bệnh nhi và thầy cô là các tình nguyện viên. Lớp học nhỏ này có bạn đã đi học, có bạn chưa, có bạn đang vô thuốc tay vừa viết chữ  vừa truyền thuốc, có bạn mới tiếp nhận điều trị. Bên ngoài lớp học, khác hẳn với không khí tươi vui của các bé là những giọt nước mắt chực trào, những tiếng nấc nghẹn nào, những cái vẫy tay cổ vũ con viết chữ của những người cha, người mẹ. Bởi lẽ với họ, nụ cười của các con là món quà quá lớn. Bởi lẽ căn bệnh này đã cướp đi tiếng cười trong trẻo của các con, bằng những lần lên bàn mổ, những lần phải xạ trị, hóa trị.

                Có em chưa xạ trị nên còn tóc, có em vào hóa chất nên tóc rụng hết, có em đã vào đây vài tháng, cũng có em đã ở đây vài năm. Từ thứ hai đến thứ năm, dù tiếp nhận các biện pháp can thiệp đau đến bao nhiêu, thì ngày thứ sáu, thứ bảy các em lại trở về với chính tuổi thơ của mình, được hát, được múa, được vẽ, được làm một cô bé, cậu bé bình thường.

2. Phòng điều trị đặc biệt, bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh

                Đây là căn phòng dành cho những bệnh nhi giai đoạn cuối, phải tiếp nhận các biện pháp giảm đau trong những ngày cuối đời của các em. Vào một buổi chiều không tên, tôi và các tình nguyện viên đến thăm em. Khi đó, bụng em sung to, và đau nhức dữ dội. Em quằn quại đau đớn tột cùng, tiếng thét, tiếng khóc, tiếng kêu lên  “mẹ ơi! Con đau quá mẹ ơi, con chết quá mẹ ơi!”. Tiếng kêu như xé lòng xé dạ người mẹ và chúng tôi, tôi nghĩ trên đời còn gì đau hơn thế, trời ơi ! Cô Phấn trưởng nhóm tình nguyện đến bên giường của em, khẽ nắm tay em, cô hỏi “con còn nhớ cô không”. Xen lẫn trong những cơn đau, em khẽ cuối chào cô, chúng tôi chỉ nghe được đáp yếu ớt của em: “cô Phấn”. Động viên em xong chúng tôi lặng lẽ ra về trong nỗi niềm miên man, trong lòng chúng tôi đều có chung câu hỏi, liệu em có qua được ngày mai không. Ngày hôm sau, hay tin em vừa qua đời. Lòng chúng tôi như trống rỗng, không nói được một câu nào , chỉ có nước mắt là làm công việc của nó, khóc.

                Tôi tin rằng, cho dù cuộc sống của chúng ta có vất vả đến như thế nào, thì chúng ta vẫn còn quá may mắn, vì ngày mai chúng ta vẫn còn được sống, vẫn còn thở.

3. Chùa Lâm Quang

                Chùa Lâm Quang là nơi tiếp nhận nuôi dưỡng hơn 300 cụ già neo đơn không người thân chăm sóc lúc tuổi xế chiều. Một ngày ở đây, các ni sư và các Phật tử  sẽ tắm cho những cụ không thể tự mình làm vệ sinh cá nhân.Sau đó các tình nguyện viên sẽ nấu ăn và phát cơm đến từng cụ. Ở đây mọi người tuy ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung điểm chung là không  người chăm sóc. Họ rất nhớ người thân, nhớ gia đình. Nhiều cụ trải lòng, vào đây vì thương con thương cháu, nhà khó khăn quá không muốn làm gánh nặng cho con, nên vào đây nương nhờ cửa chùa bớt gánh nặng cho con. Chua xót thay ! Cảm động thay tấm lòng cha mẹ.

                Nếu hôm nay bạn lười biếng, hãy nghĩ đến cha mẹ của chúng ta, hãy nghĩ đến tương lai con cái của chúng ta. Chúng ta có thế lười biếng, nhưng hậu quả của nó rất có thể là sau này chúng ta không đủ điều kiện phụng dưỡng cha mẹ của chúng ta. Ngày hôm nay, ngay bây giờ, chúng ta có thời gian, chúng ta có sức khỏe, hãy sống tích cực và lạc quan, đôi khi hãy cuối xuống nhìn cuộc đời, nhìn những người bên dưới để sống tốt hơn.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.